Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Giúp Con Có Trí Nhớ Tốt Hơn Như Thế Nào?

Nếu trẻ có trí nhớ kém thì sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong việc học. Có những bé học một chữ mà cũng phải mất đến mấy ngày sau mới thuộc, học được phép tính nhân lại quên mất phép tính cộng trừ. Nếu con bạn cũng rơi vào tình trạng này thì hãy giúp con theo những gợi ý dưới đây của chúng tôi.
1. Không nên trách mắng trẻ

Nếu như những kiến thức đã học được trẻ đều quên hết vậy thì thành tích học tập của trẻ dần dần bị xuống dốc, lòng nhiệt tình đối với việc học hành cũng giảm sút.
Trước tình hình đó, cha mẹ không nên trách mắng trẻ là “ngu ngốc”. Bởi thực tế cho thấy có rất nhiều phụ huynh thấy con mình như vậy thì không hài lòng, thậm chí tức giận đã mắng trẻ rất thậm tệ mà không chịu tìm hiểu tại sao trẻ lại như vậy. Việc trách mắng làm cho trẻ càng có tâm trạng rất nặng nề, nghĩ rằng mình kém cỏi thật và từ đó trẻ sẽ càng tự ti, thậm chí là chán học.

2. Tạo lòng tin cho trẻ

Những nghiên cứu có liên quan cho thấy rõ: não người có số lượng tế bào thần kinh ghi nhớ có thể lưu giữ lượng thông tin tức vượt cả lượng thông tin lưu trong sách vở ở tất cả các thư viện trên toàn thế giới. Vấn đề quan trọng là ở chỗ cha mẹ phải tạo cho trẻ lòng tin để ghi nhớ tốt.

Khả năng ghi nhớ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập
Một số nhà nghiên cứu tâm lý nước ngoài cho rằng: Việc hình thành trí nhớ, tốt nhất là tin rằng “bản thân có thể ghi nhớ”. Nếu có được lòng tin như vậy, tinh thần trẻ sẽ hăng say, thoải mái, và nhiệt tình ghi nhớ những kiến thức mình học được. Vậy thì các bậc cha mẹ hãy nói với trẻ rằng :“Cố gắng lên con yêu, cha mẹ tin rằng con sẽ làm được, và chắc chắn con sẽ làm được”.

3. Giúp trẻ nắm được những đặc điểm ghi nhớ của bản thân


Đặc điểm trí nhớ của trẻ là nhớ nhanh, quên cũng nhanh. Nhưng mức độ ghi nhớ như thế nào thì bản thân mỗi người lại có sự khác biệt. Có trẻ nhớ được nhiều và lâu, có trẻ nhớ được nhiều nhưng lại quên nhanh, có trẻ nhớ được ít nhưng nhớ lâu… Bản chất của ghi nhớ đó là hình thành trên não những đường liên hệ thần kinh tạm thời, nếu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì con đường đó sẽ hình thành càng rõ và trẻ càng nhớ được. Điều quan trọng là cha mẹ cần tiến hành việc ôn tập kiến thức cho trẻ nhiều lần một cách kịp thời, hình thành một sự liên hệ ổn định, giúp trẻ nhớ lâu.

4. Tạo cho trẻ một góc học tập riêng

Trẻ vốn tính hiếu động và khó tập trung, vì vậy, một góc học tập riêng và yên tĩnh sẽ giúp trẻ tập trung học tập và nhớ lâu hơn. Tránh khỏi những tiếng ồn ào từ ti vi và những cuộc nói chuyện của cha mẹ và khách.



5. Dạy trẻ một vài phương pháp ghi nhớ


Phương pháp ôn tập: Chính vì khi học trẻ nhớ rất nhanh mà quên cũng nhanh cho nên phương pháp tốt nhất là giúp trẻ ôn tập. Chẳng hạn như học từ mới tiếng anh. Cho trẻ học khoảng 10 từ mới, sau đó yêu cầu trẻ học đi học lại 10 từ mới đó trong nhiều ngày. Bẵng đi mấy ngày lại hỏi trẻ lại mấy từ đó, nếu trẻ quên lại yêu cầu trẻ học lại tiếp nhưng chắc chắn lúc đó trẻ học sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Vào dịp hè, trẻ ít phải đến trường hơn thì thay vì cho trẻ học kiến thức của năm học mới, cha mẹ hãy dành thời gian cho con ôn tập lại các kiến thức đã học của năm cũ. Như thế vừa giúp trẻ nhớ lại kiến thức, trẻ học chắc hơn và không bị mất gốc.

Người lớn, cha mẹ phải thực sự kiên nhẫn với trẻ. Không nên nóng vội bởi như vậy sẽ không đem lại kết quả gì mà còn phản tác dụng.

Nắm bắt những từ ngữ then chốt có thể để trẻ khắc ghi trong đầu. chỉ cần vừa nhìn thấy những từ ngữ đó thì những nội dung khác sẽ dần dần hiện lên trong đầu óc trẻ. Nên sử dụng sơ đồ tư duy để trẻ có thể nắm bắt thông tin tổng quát.

Tạo hứng thú cho trẻ khi học. Muốn trẻ nhớ vào công thức, khái niệm tương đối khó. Đôi khi có thể đưa ra một vài cách gây hứng thú cho trẻ, biến đổi một chút hình thức (ví dụ ghi nhớ theo kiểu hát hay diễn kịch) dẫn đến trẻ hứng thú ghi nhớ.

6. Có chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý, cân đối cho trí não của trẻ.

Dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ của trẻ. Hãy bổ sung cho trẻ dinh dưỡng tốt cho trí não: DHA, Omega - 3, Protein, canxi và vitamin nhóm B. (Bạn nên xem phần Dinh Dưỡng)

Chúc các bậc phụ huynh sẽ giúp được con mình có trí nhớ thật tốt!

http://namvinhyen.com/

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Chăm Sóc Răng Miệng Đúng Cách Cho Trẻ Nhỏ

Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, một việc rất quan trọng mà cha mẹ có thể làm cho con đó chính là chuẩn bị và chăm sóc cho trẻ có được sức khỏe răng.

Răng sữa đóng vai trò quan trọng trong việc ăn, nhai, phát âm và tạo nên vẻ thẩm mỹ cho khuôn mặt trẻ. Đồng thời, răng sữa cũng đóng vai trò giữ chỗ trên xương hàm cho các răng vĩnh viễn sau này. Cha mẹ có thể giúp cho trẻ giữ răng chắc và khỏe bằng cách tập cho trẻ những thói quen răng miệng lành mạnh ngay từ những năm tháng đầu đời.

Cách chăm sóc răng miệng cho trẻ

Vi khuẩn gây bệnh răng miệng lây từ răng này qua răng khác và từ miệng người này qua miệng người khác. Chúng không có trong miệng trẻ sơ sinh. Khi răng bắt đầu mọc, vi khuẩn này được truyền từ mẹ qua việc hôn hít, nếm thức ăn hay mút vú giả trước khi cho trẻ bú. Việc bà mẹ chải răng thật kỹ, chế độ ăn có lượng đường thấp sẽ giảm lượng vi khuẩn sâu răng trong miệng, từ đó làm giảm hay chậm khả năng truyền vi khuẩn sang cho trẻ. Để loại trừ sự lây nhiễm, không nên nhai hay cắn thức ăn rồi đút cho trẻ, không cho trẻ sử dụng chung muỗng, đũa với người bị sâu răng và tránh sử dụng chung bàn chải đánh răng.


- Trước khi trẻ có răng (6 tháng tuổi), nên cho trẻ uống vài muỗng nước ngay sau khi bú (và ợ). Dùng gạc hay vải ướt quấn quanh ngón tay, lau sạch và xoa nắn nướu, lưỡi cho trẻ sau khi cho trẻ bú hay ăn.

- Sau khi trẻ có răng, nên cho uống vài muỗng nước ngay sau khi bú hay ăn rồi dùng gạc hoặc vải ướt quấn quanh ngón tay lau sạch răng (đừng quên lau mặt trong của răng) và xoa nắn nướu lưỡi cho trẻ.
- Trẻ 1 tuổi (có 8 răng cửa), cho dùng bàn chải đánh răng có lông mềm với kích thước nhỏ. Với trẻ dưới 3 tuổi, nên cẩn thận khi sử dụng kem đánh răng trẻ em có chứa flour. Trẻ em hơn 3 tuổi có thể sử dụng kem đánh răng trẻ em chứa flour, với lượng kem phết lên bàn chải bằng hạt đậu. Dùng chỉ nha khoa để làm sạch mặt bên trong.



- Thường xuyên cho bé đi khám bác sĩ nha khoa. Nên cho trẻ đến bác sĩ răng hàm mặt lần đầu tiên khi trẻ được 6 tháng tuổi để phát hiện các vấn đề sức khỏe toàn thân có liên quan đến răng miệng; đặc biệt do cách cho trẻ ăn (sâu răng do bú bình) và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng ngừa sâu răng. Duy trì chế độ 6 tháng tái khám 1 lần. Không nên chờ đến khi trẻ có răng sâu hay đau răng mới đến bác sĩ răng hàm mặt.


Tập cho bé đánh răng đúng cách

Đặt lòng bàn chải hướng về phía đường viền nướu một góc 45 độ so với răng, lắc nhẹ bàn chải. Chải từng nhóm răng, mỗi nhóm độ 2 – 3 cái, chải ba mặt răng: mặt ngoài (nhìn thấy khi há miệng), mặt trong (phía dưới) và mặt nhai. Cha mẹ cần tiếp tục chải răng cho trẻ đến 9 – 10 tuổi, vì trẻ không có kỹ năng tự chải răng một cách hiệu quả trước độ tuổi này.



Thường trẻ không thích kem đánh răng. Nhưng bạn đừng lo lắng, vì chính bàn chải (chứ không phải kem) mới làm sạch được các mảng bám trên răng. Nếu trẻ có thể sử dụng kem đánh răng, cha mẹ phải cẩn thận không cho trẻ nuốt kem. Nên sử dụng một lượng rất ít kem đánh răng (nhỏ bằng hạt đậu). kem đánh răng chứa flour sẽ làm răng thêm rắn chắc.

Bí quyết giúp bé có giấc ngủ ngon

Làm sao để giúp bé có giấc ngủ ngon? Ngoài việc cho bé có một chế độ dinh dưỡng tốt đủ chất để bé không quấy khóc, khó chịu thì cần có những thói quen tốt để giúp bé ngủ ngoan.


Giấc ngủ là một phần rất quan trọng trong sự phát triển của em bé, do đó việc thấm nhuần những thói quen tốt ngay từ đầu cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Giấc ngủ ngon không chỉ giúp cho em bé mà còn giúp cho cha mẹ cũng có được giấc ngủ ngon.

Tầm quan trọng của giấc ngủ

Giấc ngủ là một yếu tố cần thiết trong khả năng của em bé để bé có thể phát triển khỏe mạnh. Trong giấc ngủ, hệ thống miễn dịch được tăng cường để ngăn ngừa bệnhhormone tăng trưởng cũng ở mức độ cao nhất.

Khi được nghỉ ngơi một cách đúng đắn, một trẻ sơ sinh sẽ có được đầy đủ sự tỉnh táo, nhanh nhẹn khi thức. Khi bé không được ngủ đủ giấc, bé sẽ om sòm hoặc thậm chí kích động. Nhưng đó không phải tất cả những gì các bạn nên quan tâm. Kết quả lâu dài của việc thiếu ngủ không thực sự bắt đầu xuất hiện cho đến khi trẻ em trong độ tuổi đi học. Những đêm ngủ ngắn trước khi 3 tuổi rưỡi dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị bốc đồng và hiếu động thái quá, hoạt động nhận thức không tốt khi 6 tuổi. Có một thực tế đáng sợ rằng giấc ngủ không đủ là tương quan với tỷ lệ béo phì tăng lên.

Tầm quan trọng của thói quen

Ngủ chắc chắn là rất quan trọng đối với em bé nhưng làm thế nào bạn có thể biết được là bé đã ngủ đủ hay chưa? Bạn không thể suy diễn những dấu hiệu của việc thiếu ngủ ở trẻ em. Những dấu hiệu đó khá khác nhau và phức tạp hơn nhiều. Sự phát triển của em bé bị ảnh hưởng bởi rất nhiều những thứ khác ngoài giấc ngủ.

Các biện pháp chủ động nhất bạn có thể làm đó là tạo cho trẻ thói quen ngủ tốt ngay từ ban đầu. Việc này rất quan trọng để xây dựng cho trẻ các thói quen tích cực và nhằm mục đích giúp trẻ có thể tự ru ngủ mình mà không quá cần thiết phải có sự xuất hiện của cha mẹ.

Trong thực tế, khi bé có dấu hiệu buồn ngủ, hãy đặt bé nằm xuống để bé có thể học được cách ngủ của riêng mình. Điều này thực sự giúp cho trẻ và tránh tình trạng bố mẹ lúc nào cũng phải đung đưa để dỗ dành bé vào giấc ngủ. 

Bé có thể ngủ lại dễ dàng khi bỗng dưng thức giấc vào giữa đêm hay không tùy thuộc rất nhiều vào thói quen này. Một khi bé có thể hình thành thói quen tự mình dỗ dành cho giấc ngủ của mình thì việc ngủ lại nhanh chóng là điều hoàn toàn dễ dàng.

Bí quyết giúp bé có giấc ngủ ngon

Tạo những tín hiệu của giấc ngủ cho bé

Mỗi một ngày, cơ thể thiết lập lại đồng hồ sinh học dựa trên các tín hiệu trong môi trường. Nếu các tín hiệu đồng bộ, chúng ta sẽ có giấc ngủ tốt nhất. Có một vài bước bạn có thể làm để thiết lập lại nhịp điệu giấc ngủ của bé.

Đầu tiên, kiểm soát sự tiếp xúc với ánh sáng: bộ não rất chú ý đến ánh sáng cho dù đó là ngày hay đêm xuống. Ánh sáng rất tươi sáng trong ngày (ngay cả trong giấc ngủ ngắn) và ánh sáng mờ vào ban đêm, có thể giúp em bé tạo một lịch trình ngủ. 

Khi đến giờ bé phải đi ngủ, bố mẹ hãy giảm ánh sáng trong nhà, giảm tiếng ồn. Dần bé sẽ nhận thấy đây là những tín hiệu rất cụ thể cho giấ ngủ đến. Một bài hát ru nhẹ nhàng, tiếng kể chuyện nhỏ nhẹ cho bé, tất cả đều là thói quen tuyệt vời trước khi đi ngủ.  

Theo MaskOnline
ta-quan-bambimio-5

Bí quyết người Mỹ rèn con tự ngủ

Đặt con vào cũi, Alex tắt đèn, ra khỏi phòng. Bé bắt đầu khóc, dù đã ăn no, sạch sẽ, không ốm bệnh. Bé quen và muốn được bế, được ôm, được đung đưa để giúp đi vào giấc ngủ, nhưng Alex sẽ không đi vào phòng bế bé lên.

Chị Bích Thủy, một bà mẹ Việt đang sống tại Mỹ đã vô cùng bất ngờ khi thấy bọn trẻ - con bạn chị, đến giờ là lên giường ngủ.

Chị Thủy cho biết, khi chị còn nhỏ, cả nhà 4 người nằm trên một cái giường. Em chị một đêm dậy khóc mấy lần, cả nhà thay phiên nhau bế ru em ngủ. Khi chị có con, những tuần và tháng đầu tiên, con cứ ngủ được 2-3 tiếng là dậy khóc đòi sữa, đòi bế. Hai vợ chồng thay phiên nhau cho con uống sữa, bế, đung đưa, hát ru cho con ngủ lại.


Trong thời gian ở Mỹ, khi đến thăm một người bạn tên Alex, chị ngạc nhiên thấy hai bé con của cô, một bé 1 tuổi rưỡi, một bé 3 tuổi, tự ngủ. "13h chiều, Alex đưa Owen 3 tuổi vào phòng riêng của bé, Owen tự trèo lên cái giường nhỏ thấp, đắp chăn rồi nằm đó. Alex vẫy tay 'Sleep well' rồi nhẹ nhàng đóng cửa. Tiếp đó, cô đưa Leah vào phòng con, mặc cho Leah một cái chăn giống như chiếc túi ngủ, đặt con vào trong cũi. Cô để vào cũi một bình nước, loại bình nếu có đổ nước cũng không chảy ra và chỉ chảy khi bé mút ống hút. Cô cũng nói 'Sleep well', rồi nhẹ nhàng đóng cửa phòng. Thế là xong, không một tiếng khóc", chị Bích Thủy kể.


Khi chị và cô bạn Alex xuống nhà hàn huyên, khoảng một tiếng rưỡi sau, Leah khóc. Bé đã tỉnh giấc và Alex lên tầng đưa con xuống. "Đó quả thực là một điều tuyệt vời! Thử nghĩ bao nhiêu thời gian Alex đã tiết kiệm được, bao nhiêu công sức và mệt mỏi mà Alex không phải chịu đựng khi bế và ru con ngủ", bà mẹ Việt chia sẻ.

Thực tế, ở Mỹ, ông bố bà mẹ nào cũng đều biết phương pháp “sleep training” (luyện cho con ngủ ngoan) như Alex. Ngay từ khi Owen và Leah 3 tháng tuổi, Alex đã bắt đầu “sleep train”. Cô xây dựng cho bé một nếp gọi là 3B (bottle, bath, bed) (uống sữa, tắm, đi ngủ). Cứ mỗi tối, từ khi 3 tháng tuổi, Owen và Leah sẽ được uống sữa, đi tắm, rồi mặc quần áo ấm, thế là bé biết mình sẵn sàng đi ngủ. 
Alex cho biết, tất cả phương pháp này nằm ở một quy tắc không gieo rắc các thói quen xấu. Vì khi đã tạo thói quen xấu thì về sau rất khó khăn xây dựng được thói quen tốt. Để con ngủ mà phải bế, đung đưa, hát ru, cho uống sữa, đó là các thói quen xấu.

Chính vì vậy, ngày đầu tiên luyện cho con ngủ, sau khi đặt con vào cũi, Alex tắt đèn, ra khỏi phòng. Bé bắt đầu khóc. Một ngày bình thường, bé đã ăn no, sạch sẽ, không ốm bệnh nhưng vẫn khóc, vì đã quen và muốn được bế, được ôm, được đung đưa để giúp đi vào giấc ngủ. Nhưng Alex sẽ không đi vào phòng mà bế bé lên. Bởi vì bé cần học được cách tự ru mình vào giấc ngủ.

Đây chính là thời gian khó khăn nhất cho bất cứ ông bố bà mẹ trẻ nào. Nhiều người mua camera có tia hồng ngoại để họ ở bên ngoài phòng vẫn có thể nhìn thấy con, để biết con chỉ khóc thôi, con không trớ, không gặp chuyện gì.


Trong tuần đầu tiên, khi con khóc, Alex không vào dỗ con ngay mà đợi 5 phút mới vào vỗ về, nhưng tuyệt đối không bế con lên. Việc vỗ về này giảm dần, sau 10 phút, 20 phút, mới vào vỗ về con. Đây được coi là sự hỗ trợ cho bé, để bé có cảm giác an tâm, biết mẹ vẫn có ở đó, mẹ sẽ tới, và bé sẽ bình tĩnh lại để chìm vào giấc ngủ.

Alex nói trong 2 tuần sau đó, thời gian hai bé của cô khóc giảm dần từ nửa tiếng xuống một vài phút, rồi tới mức không khóc một chút nào nữa, đặt vào cũi là nằm im và một lúc sau tự ngủ. Alex cho biết, một đứa trẻ 3 tháng tuổi ngủ được 5 tiếng liền đã được coi là ngủ qua đêm. Sau này khi lớn hơn một chút, bé có thể ngủ liền một mạch 12 tiếng mà không khóc dậy đòi bế hay đòi uống sữa.

Các bé khi đã tự ngủ được, nhưng sau 2-3 tiếng vẫn tỉnh dậy và khóc thì cũng không được bế lên để ru. Vì đây là thời điểm quan trọng để bé học cách tự vỗ về mình ngủ trở lại. Lúc này thực ra bé chỉ khóc theo thói quen chứ không cần gì cả, không cần sữa, không cần bế ru, vỗ về. Nhưng nếu bố mẹ vẫn lo lắng và bế lên hay cho uống sữa thì bé sẽ “học” thói quen xấu đó.


 "Tôi nhớ mãi cảm giác thoải mái khi học được bài rèn con ngủ từ Alex và áp dụng cho bé gái nhà mình. Mỗi tối tôi lại được thư thái đọc sách và ngủ một lèo đến 7h sáng, nhòm vào camera thấy con trong cũi đã tỉnh nhưng vẫn nằm cười toe toét đợi bố mẹ dậy vào bế lên", chị Bích Thủy kể.
Nhà tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng Rồng Việt (Vũng Tàu) cho biết, phương pháp rèn con tự ngủ tốt cho cả trẻ lẫn bố mẹ. Trẻ ngủ theo nề nếp, ngủ thẳng đêm, còn phụ huynh không quá vất vả, mất thời gian và giấc ngủ để ru, dỗ con.

 

Ông ủng hộ quan điểm "không gieo thói quen xấu cho con" khi bé ngủ. Nhiều bố mẹ Việt Nam hay tạo cho con các thói quen như trẻ phải được nằm võng, bế đu đưa, ngậm ti bình... mới ngủ, rồi lỡ thức giấc thì lại cần được ru dỗ, bế dậy, cho uống sữa... để ngủ lại. Thực tế, đây là các nhu cầu không cần thiết, do chính bố mẹ tạo ra. Nhiều người nghĩ làm vậy mới chứng tỏ mình thương con. Một số bà mẹ hiện đại biết không nên như thế, nhưng nếu khóc không dỗ con ngay lại có thể bị chồng, bố mẹ chồng trách móc là không thương hoặc không biết chăm con, nên tiếp tục làm theo lối cũ. 


Theo chuyên gia, biết cách đi vào giấc ngủ và tự vỗ về mình ngủ là biểu hiện của trẻ tự chủ với bản thân. Trẻ Tây từ nhỏ được ngủ riêng, có phòng riêng, lớn lên bố mẹ muốn vào phòng con phải gõ cửa, con không muốn cho vào thì phụ huynh hãy cứ đứng ngoài. Trẻ Việt không được tôn trọng cá nhân, phải gắn kết với trách nhiệm gia đình.

Ở Việt Nam, trẻ dưới 2-3 tuổi vẫn có thể ngủ chung với bố mẹ, sau đó ngủ ở phòng riêng, hoặc nếu điều kiện không cho phép, để bé ngủ cùng phòng nhưng riêng giường.


Tuy nhiên, ông cho rằng, quan điểm giáo dục của phương Tây và phương Đông có những khác biệt. Quan điểm giáo dục của phương Tây căn cứ trên giá trị cá nhân, hướng tới giúp trẻ từ bé phát triển sự tự lực, tự tin vào bản thân. Người phương Đông, trong đó có Việt Nam, lại giáo dục theo hướng gắn cá nhân với gia đình, cộng đồng. Trẻ được sống trong sự chăm sóc, nâng đỡ của gia đình.

"Mỗi cách giáo dục có một giá trị riêng, không có cái nào là đúng hay sai. Trẻ Tây có thể lớn lên độc lập, thoát ly gia đình, và bố mẹ chúng khó khăn nối kết với con cái. Trẻ ta đôi khi được bố mẹ chăm sóc quá mức thành phụ thuộc. Thực tế, trong cách dạy dỗ trẻ tốt nhất nên có sự hài hòa, vừa phát triển cá nhân nhưng vẫn gắn kết với gia đình", ông Khanh bày tỏ.


Ông cho rằng, dù muốn giáo dục con theo phương pháp nào thì đều phải cân nhắc xem có phù hợp với bối cảnh xã hội hay điều kiện gia đình không, và quan trọng nhất, cần có sự trao đổi giữa mọi người trong nhà ngay từ đầu để thống nhất cách thực hiện, như vậy mới có hiệu quả.

Bích Thủy - Vương Linh (VnExpress.net)